Tại cuộc họp tiểu ban kỹ thuật, Ban chỉ đạo Bộ Quốc phòng phòng chống dịch nCoV chiều 4/2, đại tá Phan Đình Hoài, Trưởng phòng Quân y Bộ đội Biên phòng, cho biết số khẩu trang nhận từ Cục Quân y chỉ đủ dùng trong ba ngày.
Với đường biên giới đất liền với Trung Quốc gần 1.500 km ở 7 tỉnh phía Bắc, trong đó có 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 44 lối mở, quân số biên phòng phải trực ước tính 1.000. Một ngày, mỗi người dùng hai chiếc thì số khẩu trang tốn khoảng 2.000, chưa kể các đoàn công tác.
Theo đại tá Hoài, hiện các đơn vị địa phương đã tự mua xà phòng, nước rửa tay, khẩu trang để phòng dịch. Phòng Quân y Bộ đội Biên phòng cũng mua thêm 3.000 khẩu trang cấp cho các tỉnh. Tuy nhiên, số lượng này chỉ như "muối bỏ bể" vì thời gian bộ đội ứng phó với dịch còn kéo dài.
Đại tá Phan Đình Hoài, Trưởng phòng Quân y Bộ đội Biên phòng. Ảnh: Hoàng Thùy |
Trưởng phòng Quân y Bộ đội Biên phòng bày tỏ lo lắng khi lượng khẩu trang ở Việt Nam đang thiếu, Bộ Y tế thông báo các cơ sở sản xuất thiếu nguyên liệu, chưa kể xuất hiện tình trạng gom hàng từ miền xuôi lên biên giới bán lấy lãi.
"Chúng tôi đã đề nghị Bộ Y tế, Cục Quân y hỗ trợ, nhưng hiện tại chưa đủ. Đây là khó khăn rất lớn, mong các ngành, các cấp có giải pháp để đủ khẩu trang cho cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ ở biên giới, đặc biệt vùng cửa khẩu có giao lưu với người nước ngoài", ông Hoài nói.
Ông Hoài thông tin, sáng 4/2 biên phòng Sơn La báo cáo một người dân từ Trung Quốc về bị sốt. Bốn cán bộ tiếp xúc với người này phải cách ly theo dõi trong 14 ngày. Từ thực tế này, ông Hoài đề xuất tạm thời có thể cấp cho mỗi cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng 3 chiếc khẩu trang vải để giặt hàng ngày, đảm bảo an toàn khi thực hiện nhiệm vụ.
Ghi nhận thiếu thốn của bộ đội Biên phòng, đặc biệt là khẩu trang, trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y (Phó trưởng ban kỹ thuật) khẳng định, không thể để người lính nơi biên cương lây nhiễm bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Tướng Quyết đề nghị Cục Quân y kêu gọi sản xuất khẩu trang, nước rửa tay khô cung cấp cho bộ đội Biên phòng. "Có nên sản xuất khẩu trang quân nhu phát cho bộ đội không? Dùng khẩu trang vải có được không, quy trình sản xuất thế nào dịch thuật để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn?", ông đặt vấn đề và yêu cầu các đơn vị nghiên cứu.
Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y. Ảnh: Hoàng Thùy |
PGS Nguyễn Thái Sơn, Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học vi sinh, Bệnh viện Quân y 103, không đồng tình sản xuất khẩu trang vải thay thế, bởi khẩu trang y tế dùng một lần xong bỏ vào thùng rác, còn khẩu trang vải được cán bộ, chiến sĩ thu giữ mang về đơn vị giặt. Điều này rất dễ lây nhiễm nếu khẩu trang có dính virus.
Trưởng phòng trang bị Cục quân y Mai Ngọc Chiến cho hay, trong đợt 1 Cục đã cấp cho các quân khu, quân đoàn trong danh sách có khu cách ly 28.000 khẩu trang y tế. Theo kế hoạch, khi có công dân từ Trung Quốc về, Cục sẽ tiếp tục cấp cho các khu vực. "Trước mắt, chúng tôi có thể đảm bảo được theo số lượng dự báo là 30.000 khẩu trang để các đơn vị dùng trong 7 ngày", ông Chiến nói.
Đến ngày 4/2, Việt Nam có 10 ca dương tính với nCoV, 200 công dân Việt Nam đang được cách ly trong doanh trại quân đội. Trong đó 194 người từ Trung Quốc trở về bằng đường bộ được cách ly ở Tiểu đoàn 123, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Lạng Sơn từ ngày 3/2. Sáu nguời đi đường hàng không về sân bay Vân Đồn được đưa vào khu cách ly ở trường quân sự của Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ninh từ ngày 2/2.
Để chuẩn bị đón người Việt Nam từ Trung Quốc về, các quân khu, quân đoàn đã chuẩn bị khoảng 31.000 giường, nơi ở cùng quân tư trang, đồ ăn... cho người dân. Các bệnh viện đã thành lập mới 20 đội phòng chống dịch, 20 đội phản ứng nhanh cùng với Bộ Y tế xử lý các tình huống...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét