Tại thủ đô New Delhi, Ấn Độ, Shagun, 45 tuổi, ngồi bên đường cắt chuối, dưa chuột và đu đủ để bán cho những người lái xe ba bánh chở khách. Vì lượng hàng bán được đã giảm một nửa, mỗi bữa ăn của gia đình cô chỉ gồm cơm và đậu lăng giá rẻ Công ty dịch thuật Sài Gòn Blog nhất. Cô cũng pha thêm nước vào sữa cho các con.
"Chồng tôi thất nghiệp. Tôi không có tiền tiết kiệm. Chúng tôi không thể bỏ sạp hàng ven đường này, chúng tôi đang cầm cự chỉ với một bữa ăn mỗi ngày", cô chia sẻ.
Nhân viên y tế phun chất khử khuẩn ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP. |
Ở Buenos Aires, tài xế taxi Alejandro Anibal Alonso, 53 tuổi, uể oải đi chậm trên những con phố vắng tanh tìm khách hàng với nỗi lo sợ rằng ông có thể nhiễm nCoV. Nhưng nỗi sợ mất chiếc xe vì thế chấp cho ngân hàng còn lớn hơn.
Hai năm trước, ông vay tiền để mua xe chạy taxi. Lãi suất thay đổi theo lạm phát. Khi Argentina chìm sâu vào khủng hoảng, số tiền mỗi tháng ông cần trả tăng từ 7.800 peso (hơn 122 USD) lên 25.000 peso (gần 393 USD).
Đủ tiền trả lãi tháng đã là thách thức tuyệt vọng đối với Alonso. Ông đã chậm thanh toán tháng hai và hiện cũng không có tiền trả cho tháng ba. Tuần trước, chủ nợ gửi cho Alonso một email đe dọa: "Tiền thanh toán không thể dừng lại vì nCoV".
"Tôi không biết phải làm gì nữa", ông nói. "Vấn đề hiện nay vượt quá khả năng ứng phó của tôi". Ông nén nỗi sợ virus lại, chấp nhận tới sân bay đón khách. "Tôi không thể từ chối bất kỳ cuốc xe nào", Alonso cho hay.
Khi đại dịch Covid-19 làm nền kinh tế toàn cầu đình trệ, những quốc gia dễ bị tổn thương nhất thế giới đang hứng chịu thiệt hại nghiêm trọng. Các doanh nghiệp phải sa thải nhân viên vì doanh số lao dốc. Các hộ gia đình phải tằn tiện chi tiêu vì thu nhập sụt giảm. Đầu tư quốc tế đang rời khỏi những thị trường mới nổi với tốc độ chưa từng thấy từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, làm giảm giá trị đồng tiền và khiến người dân phải trả nhiều hơn cho những mặt hàng nhập khẩu như thực phẩm hay nhiên liệu.
"Tình hình hiện nay sẽ tồi tệ ngang bằng, thậm chí tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đối với những thị trường mới nổi", Per Hammarlund, chiến lược gia tại ngân hàng đầu tư toàn cầu SEB Group, trụ sở ở Stockholm, Thụy Điển, nhận định. "Thật sự nghiệt ngã".
Covid-19 cũng tạo ra mối đe dọa với thịnh vượng toàn cầu. Các thị trường mới nổi chiếm 60% nền kinh tế thế giới trên cơ sở sức mua, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Sự giảm tốc ở các quốc gia đang phát triển sẽ kéo theo sự giảm tốc toàn cầu.
Từ Nam Á đến châu Phi và châu Mỹ Latin, Covid-19 đang đặt ra thách thức với các quốc gia đang phát triển cả về y tế lẫn kinh tế. Tình trạng này cũng xảy ra ở những quốc gia giàu có, nhưng ở các nước nghèo, nơi hàng tỷ người phải chạy ăn từng bữa, nguy cơ càng lớn hơn.
Nhiều chính phủ chịu gánh nặng bởi những khoản nợ lớn, làm hạn chế khả năng giúp đỡ những người khó khăn. Từ năm 2007, nợ công và nợ tư nhân tại các thị trường mới nổi đã tăng từ 70% sản lượng kinh tế hàng năm lên 165%, theo Oxford Economics.
Đại dịch còn đẩy đầu tư quốc tế chệch khỏi các thị trường mới nổi và hướng tới những "điểm trú ẩn" an toàn hơn như trái phiếu chính phủ Mỹ.
Năm ngoái, hơn 20 thị trường mới nổi, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil, đã nhận được dòng vốn đầu tư khoảng 79 tỷ USD, theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF). Nhưng trong hai tháng qua, khoảng 70 tỷ USD đầu tư ròng đã rời khỏi các quốc gia này.
Sự thay đổi đó làm dấy lên lo ngại rằng một số quốc gia có thể bị mất khả năng thanh toán và vỡ nợ, đặc biệt là Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi.
"Tốc độ thật đáng kinh ngạc", Sergi Lanau, chuyên gia kinh tế tại IIF, bình luận. "Tất cả những quốc gia dễ bị tổn thương sẽ đối mặt với tình huống thực sự khó khăn".
Hầu hết các nhà kinh tế học đều cho rằng một cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang chuẩn bị diễn ra.
Tại các thiên đường du lịch như Thái Lan, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, những biện pháp phong tỏa chống dịch được áp dụng với quy mô toàn cầu có nguy cơ gây thất nghiệp hàng loạt trong ngành khách sạn, nhà hàng và tổ chức tour.
Một con đường vốn tập trung đông người ngắm hoàng hôn ở Vịnh Manila giờ đây trở nên vắng lặng. Ảnh: NYTimes. |
Tình trạng gián đoạn hoạt động của ngành công nghiệp trên toàn thế giới đã cắt giảm mạnh nhu cầu đối với nguyên liệu, giáng đòn chí mạng vào những nhà sản xuất đồng như Chile, Peru, Congo và Zambia, hay các nhà sản xuất kẽm như Brazil và Ấn Độ.
Mexico vốn đã rơi vào suy thoái và nhiều ngành nghề tại nước này phục vụ cho sản xuất hàng hóa vào Mỹ. Nhưng Mỹ giờ đây cũng gần như bị phong tỏa để chống Covid-19.
Tại những quốc gia giàu có, chính phủ và ngân hàng trung ương đã tung ra các gói cứu trợ trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm hạn chế thiệt hại đối với nền kinh tế khi người dân bị hạn chế ra khỏi nhà. Nhưng ở những nước nghèo, cách biệt cộng đồng gần như bất khả thi. Những người kiếm sống bằng nghề thu gom phế liệu tại bãi rác sẽ không thể duy trì cuộc sống nếu bị buộc ở nhà.
Ấn Độ, quốc gia với 1,3 tỷ dân, dường như đã lĩnh đòn của Covid-19 dù số ca nhiễm chưa quá cao. Thủ tướng Narendra Modi hôm 24/3 ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn virus lây lan.
Một buổi chiều gần đây trên con đường dẫn tới ga xe lửa chính của New Delhi, các chủ cửa hàng ven đường đang đối diện sự thật phũ phàng: Đường phố vắng tanh.
Mahender, 60 tuổi, làm nghề đánh giày. Trước dịch, ông kiếm được khoảng 400 rupee (khoảng 5 USD) mỗi ngày. Bây giờ, ông chỉ kiếm được 1,25 USD, bằng 1/4 trước đây.
Một nhà ga xe lửa ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ. Ảnh: Reuters . |
Tại Cappadocia, Thổ Nhĩ Kỳ, khu thắng cảnh với những khối đá hình chóp nhọn kỳ vĩ, Deniz Turgut, 37 tuổi, đồng sở hữu công ty Butterfly Balloons, đang chật vật khi chi phí vẫn phải trả nhưng doanh thu thì bé lại từng ngày.
Năm ngoái, công ty đưa khoảng 20.000 khách du ngoạn trên khinh khí cầu. Hồi tháng hai, Butterfly Balloons chỉ có 43 khách, ít hơn cả số nhân viên công ty (49 người). Turgut phải miễn cưỡng cho nhân viên nghỉ việc.
"Chúng tôi không biết tình trạng này sẽ kéo dài bao lâu", cô nói.
Tại Istanbul, Gürsel Yenilmez, 42 tuổi, tuần trước đóng cửa quán cà phê ở quận Beyoglu. Cơ sở của anh không đủ khả năng trả lãi ngân hàng, tiền thuê nhà và hóa đơn điện nước. Yenilmez cũng hủy đơn đặt hàng ôliu và dầu ôliu tại vùng nông thôn Thổ Nhĩ Kỳ.
"Tôi không thể mua bất cứ thứ gì từ họ mà trả tiền ngay lập tức", anh cho biết.
Tại Manila, Philippines, Reynaldo Tating, 57 tuổi, đang phải chịu đựng một kỳ nghỉ không mong muốn tại nhà.
Ông thường dành 8 tháng một năm trên những con tàu du thuyền đi khắp thế giới, pha chế cocktail cho khách du lịch quốc tế. Giờ đây, ông lo lắng công ty của mình, một nhà điều hành du thuyền lớn, có thể phá sản.
"Tôi không biết mình có được quay lại làm việc không hay liệu chúng tôi còn có việc mà làm không nữa", ông chia sẻ.
Vũ Hoàng (Theo New York Times )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét